Bệnh ung thư vú chủ yếu là ung thư biểu mô xuất phát từ tuyến vú, một số loại khác như lymphoma ít gặp. Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ nhiều nước trên thế giới. Ung thư vú có thể gặp ở cả 2 giới nhưng ở nam rất ít gặp

Triệu chứng lâm sàng

  • Khối u vú thường không gây đau, một số trường hợp có chảy dịch đầu vú (dịch máu hoặc dịch vàng chanh)
  • U có mật độ cứng rắn, mặt gồ ghề, ranh giới có thể rõ hoặc không, tụt núm vú…..
  • Siêu âm có u vú hoặc hình ảnh calci hoá trên phim chụp vú.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư vú

  • Hiện tại chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra ung thư, nhưng qua nghiên cứu người ta biết được một số yếu tố mà nếu có thì khả năng mắc ung thư vú sẽ cao hơn, bao gồm
  • Tuổi: tuổi càng cao thì nguy cơ mắc càng tăng và cao nhất là tuổi >60,
  • Tiền sử mắc ung thư vú: nếu đã mắc ung thư vú một bên thì bên còn lại cũng có nguy cơ mắc ung thư vú cao
  • Tiền sử gia đình: nguy cơ mắc ung thư vú sẽ cao nếu như có mẹ hoặc chị, em gái mắc ung thư vú. Nguy cơ cũng tăng nếu như người phụ nữ có cô, dì, bác ruột hai bên nội ngoại mắc ung thư vú.
  • Những biến đổi gen: thay đổi của các gen BRCA1, BRCA2 làm tăng nguy cơ ung thư vú,
  • Một số vấn đề về sức khoẻ sinh sản: có con muộn hoặc không sinh đẻ, dậy thì sớm (trước 12 tuổi), mãn kinh muộn (sau 55 tuổi), dùng nội tiết tố thay thế ở thời kỳ mãn kinh… làm tăng nguy cơ ung thư vú,
  • Chủng tộc: hay gặp ở phụ nữ Latin, châu Á hoặc Mỹ gốc Phi,
  • Tiền sử điều trị tia xạ vào vùng vú làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú,
  • Béo phì sau khi mãn kinh: nội tiết tosestrogen được sản sinh 1 phần tại mô mỡ, béo phì làm cho lượng estrogen tăng cao và đây là một điều có thể dẫn đến ung thư vú,
  • Người ít hoạt động thể chất sẽ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn, Uống rượu bia nhiều cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.

Chẩn đoán xác định: dựa vào các đặc điểm và triệu chứng

+ Đặc điểm lâm sàng bệnh ung thư vú

  • Khối u vú thường không gây đau, một số trường hợp có chảy dịch đầu vú (dịch máu hoặc dịch vàng chanh) u có mật độ cứng rắn, mặt gồ ghề, ranh giới có thể rõ hoặc không.
  • Trong những trường hợp đến muộn, u có thể xâm lấn vào thành ngực làm hạn chế di động hoặc xâm nhiễm da tạo hình ảnh “sần da cam” hoặc vỡ loét, đôi khi ung thư vú cũng biểu hiện như một viêm tấy lan toả vùng vú (ung thư vú thể viêm).
  • Trong nhiều trường hợp người bệnh thường có hạch nách cùng bên, hạch có thể có các mức độ tổn thương từ mềm đến cứng hoặc xâm nhiễm dính vào xung quanh tuỳ theo mức độ tiến triển bệnh.

+ Xét nghiệm

  • Chụp X quang tuyến vú: tổn thương điển hình có dạng hình sao nhiều chân, co kéo tổ chức tuyến vú, có nhiều chấm vi calci hoá tập hợp thành đám.
  • Xét nghiệm tế bào học: thường thấy các tế bào ung thư mất sự kết dính, đa hình thái, tỷ lệ nhân/nguyên sinh chất tăng, nhiều nhân quái nhân chia, bào tương kiềm tính.
  • Khi cả ba phương pháp trong bộ ba kinh điển đều cho kết quả dương tính thì có thể đi đến chẩn đoán xác định. Nếu một trong ba phương pháp này nghi ngờ, bác sĩ lâm sàng có thể chỉ định sinh thiết kim, sinh thiết tức thì hoặc sinh thiết mở thường quy để khẳng định chẩn đoán.

+ Các phương pháp chẩn đoán khác

  • Sinh thiết kim: lấy mảnh tổ chức làm xét nghiệm giải phẫu bệnh định týp mô bệnh học.
  • Sinh thiết tức thì: cho phép chẩn đoán xác định ung thư ngay khi người bệnh ở trên bàn mổ.
  • Sinh thiết mở: trong nhiều trường hợp chỉ phát hiện được ung thư sau khi đã phẫu thuật lấy u..
  • Các xét nghiệm đánh giá bilan chung và đánh giá tình trạng di căn xa: xét nghiệm máu, sinh hoá, siêu âm, X-quang, Chụp SPECT, PET/CT

Điều trị bệnh ung thư vú

+ Điều trị bằng phẫu thuật

  • Phẫu thuật là phương pháp điều trị đầu tiên và cũng là phương pháp chính điều trị ung thư vú, nhất là ở những trường hợp chưa có di căn:
  • Phẫu thuật cắt tuyến vú và vét hạch nách: đây là phương pháp phẫu thuật cơ bản, bao gồm cắt bỏ toàn bộ tuyến vú và nạo vét hạch nách thành một khối (en bloc).
  • Phẫu thật bảo tồn tuyến vú: áp dụng ở những nơi có máy xạ trị và người bệnh đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về chỉ định. Phẫu thuật bao gồm cắt rộng phần tuyến vú có u và nạo vét hạch nách. Phương pháp điều trị bảo tồn không những không làm thay đổi kết quả sống thêm mà còn nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
  • Phẫu thuật cắt buồng trứng: áp dụng cho người bệnh ung thư vú còn kinh nguyệt có thụ thể nội tiết dương tính.

+ Điều trị bằng tia xạ

  • Xạ trị sau phẫu thuật cắt tuyến vú thường sử dụng các trường chiếu tiếp tuyến để tránh làm tổn thương nhu mô phổi với tổng liều 45- 50 Gy. Trong trường hợp có di căn hạch nách, có thể bổ sung trường chiếu nách và thượng đòn với liều 50 Gy. Xạ trị sau phẫu thuật bảo tồn tuyến vú thường sử dụng trường chiếu rộng để phòng ngừa tình trạng tái phát tại tuyến vú và hạch nách, liều chiếu 50 – 60 Gy.

+ Điều trị bằng hóa chất

  • Nhờ những hiểu biết sâu hơn về sinh bệnh học ung thư vú mà ngày nay chỉ định điều trị hoá chất đã được mở rộng cho nhiều đối tượng người bệnh bởi lẽ theo quan điểm mới UTV là bệnh toàn thân. Hình thức áp dụng hoá trị liệu cũng phong phú từ điều trị cho người bệnh giai đoạn không mổ được tại thời điểm chẩn đoán (điều trị hoá chất tân bổ trợ), điều trị hoá chất sau mổ (điều trị bổ trợ) cho những người bệnh có di căn hạch nách hoặc có các yếu tố nguy cơ cao đến điều trị triệt căn khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

+ Nội tiết

  • Về mặt sinh lý, sự phát triển của tuyến vú có liên quan mật thiết với các hormon của buồng trứng. Về mặt bệnh lý cũng có trên 60% ung thư vú phụ thuộc vào nội tiết. Cho đến nay điều trị nội tiết cho ung thư vú đã được thừa nhận rộng rãi trên thế giới và đem lại nhiều kết quả rất khả quan. Phương pháp này bao gồm cắt buồng trứng (đối với phụ nữ còn kinh nguyệt) và uống thuốc trong 5 năm.

ungthuvu

Biện pháp phòng ngừa bệnh ung thư

  • Không có cách nào phòng ngừa hoàn toàn ung thư vú nhưng việc thay đổi cách sống giúp làm giảm nguy cơ bị bệnh: Hạn chế uống bia rượu, thuốc lá, tăng cường vận động, duy trì cân nặng ổn định, tăng cường ăn rau xanh quả tươi, kiểm tra sức khoẻ định kỳ, đặc biệt tham gia sàng lọc ung thư vú sớm hàng năm để phát hiện bệnh sớm bằng tự khám vú hàng tháng, khám bác sĩ định kỳ, chụp vú.
  • Theo nghiên cứu tại Đại học Louisville, curcumin trong nghệ giúp giảm khoảng 34% kích cỡ khối u, đồng thời ức chế sản sinh các tế bào ung thư.
  • Nghiên cứu được thực hiện tại Trung tâm Ung thư, Đại học Louisville, Hoa Kỳ và công bố trên tạp chí Cancer Prevention Research vào tháng 4 năm 2014.
  • Các nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh hoạt chất curcumin trong nghệ có  khả năng tiêu diệt khối u và chống tăng sinh trong các nghiên cứu nuôi cấy tế bào. Tuy nhiên, do Curcumin không tan trong nước, sinh khả dụng đường uống thấp (khoảng 2%) nên khi nghiên cứu trên động vật và lâm sàng, các nhà khoa học nhận thấy với liều thông thường thì gần như không có hiệu quả.
  • Chính vì vậy trong nghiên cứu này, các tác giả tiến hành so sánh đánh giá khả năng tiêu diệt khối u ở 2 nhóm: 1 nhóm dùng curcumin đường uống và nhóm còn lại được cấy ghép curcumin trực tiếp vào khối u. Kết quả cho thấy Curcumin cấy ghép trực tiếp làm giảm đáng kể cả sự đa dạng của khối u (2 ± 1 vs 5 ± 3 ; p = 0,001) và giảm kích thước khối u từ 280 ± 141 mm3 xuống 184 ± 198 mm3; p = 0,0283 (tương đương 34%), còn curcumin dùng đường uống thì không có hiệu quả. Như vậy, nghiên cứu trên chuột cho thấy, trị ung thư vú đường cấy hiệu quả hơn đường uống.