Thực tế, Linh Chi chỉ có thể có tác dụng một chút trên dòng tế bào ung thư nào đó, nhưng không có nghĩa là dùng Linh Chi có thể điều trị ung thư.

Dễ mua phải “xác” nấm

TS Nguyễn Thị Bích Thu, Phó viện trưởng Viện Dược liệu TƯ cho biết, có 6 loại nấm Linh Chi và được phân loại theo như sau: Màu xanh (Thanh Chi), màu đỏ (Xích Chi hoặc Hồng Chi), màu vàng (Hoàng Chi), bạch chi (Ngọc Chi), hắc chi (Huyền Chi), màu tím (Tử Chi). Trên thị trường có bán nhiều loại Linh Chi khác nhau với giá cả không giống nhau. Để nhận biết thật – giả, phải có chuyên môn, chứ người thường, khó mà biết được, đặc biệt, Linh Chi bán trên thị trường đã được sao khô, nhận biết thật – giả rất khó. Với các nhà khoa học, để nhận biết Linh Chi giả hay thật, phải lấy mẫu về kiểm tra.

Theo TS Nguyễn Thị Bích Thu, nguyên tắc khi mua Linh Chi nói riêng và mua thuốc, dược liệu nói chung phải là hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Việc mua Linh Chi theo người quen, từ một thầy lang nào đó rất dễ mua phải Linh Chi rởm hoặc không đảm bảo chất lượng. Có khi mua được đúng nấm Linh Chi thật, nhưng ai dám chắc hoạt chất quan trọng có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh của Linh Chi là Polysacharides, Triterpenes còn hoặc đảm bảo đủ hàm lượng hoạt chất cần thiết (tức là dễ mua phải “xác” nấm do để lâu mục hoặc đã bị chiết xuất hoạt chất).

Linh Chi Đỏ giúp tăng cường miễn dịch

Ở Việt Nam hay sử dụng Linh Chi màu nâu đỏ. Về tác dụng của Linh Chi, TS Nguyễn Thị Bích Thu cho biết, người ta hay để ý đến tác dụng miễn dịch của Linh Chi, đặc biệt với bệnh u bướu, viêm gan, xơ gan…

Việc có thông tin nấm Cổ Linh Chi chữa “ung thư” lan truyền trong nhân dân là chưa chính xác. Thực tế, Linh Chi chỉ có thể có tác dụng một chút trên dòng tế bào ung thư nào đó, nhưng không có nghĩa là dùng Linh Chi có thể điều trị ung thư.

Linh Chi Đỏ chỉ giúp tăng cường miễn dịch, làm tăng thể trạng, đặc biệt với người ung thư phổi, dạ dày. Ngoài ra, Linh Chi còn có tác dụng tăng thải độc nên tốt cho người xơ gan, người bị bệnh ung thư nói chung. Linh Chi thường được sử dụng bằng cách thái lát và hãm như hãm chè, uống thay nước. Uống Linh Chi tốt nhất vào lúc bụng đói, buổi sáng.

Theo thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, chỉ người ung thư hoặc người có bệnh mạn tính mới nên uống nhiều Linh Chi. Người bình thường không nên lạm dụng Linh Chi vì nó gây “nhờn”, khi cần nó không còn phát huy tác dụng.

Hiện nay, Công ty Dược liệu TƯ 2 là nơi trồng nấm cho Nhật Bản và Hàn Quốc. Vì vậy, có thể đặt mua nấm Linh Chi từ đơn vị này. Ngoài ra, có thể mua nấm Linh Chi ở các cửa hàng là đại lý nấm Linh Chi từ Hàn Quốc (với điều kiện có giấy tờ đầy đủ về nguồn gốc, chất lượng). Mua hàng ở các chợ thuốc như Sa Pa (Lào Cai), Lãn Ông (Hà Nội), Ninh Hiệp (Gia lâm, Hà Nội) phải có mối quen vì có nhiều hàng trôi nổi. Trong các bài thuốc Đông y cổ, không có bài thuốc nào dùng nấm Linh Chi. Việc một số người dân nói Linh Chi chữa lành ung thư là vô lý. Linh Chi chỉ có tác dụng giải độc gan và thận.