Chảy máu cam, nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa

Chảy máu cam thường xảy ra phổ biến ở trẻ em. Chảy máu cam thường là nhẹ và dễ dàng điều trị. Đôi khi chảy máu cam có thể nghiêm trọng hơn, nhưng điều này thường ở người lớn tuổi, hoặc ở những người có các bệnh khác như rối loạn máu.
Chảy máu cam là mạch máu li ti trong mũi bị vỡ và chảy máu.

Nguyên nhân chảy máu cam

Có thể chia ra hai nhóm. Nguyên nhân phát sinh từ trong mũi và bên ngoài mũi, tức là mũi khỏe mạnh bình thường nhưng cơ thể có bệnh gì đó, thể hiện qua việc chảy máu.
Chảy máu cam phát sinh từ mũi rất thông thường

  • Mũi khô: do thời tiết, khí hậu, dùng những thuốc làm khô mũi.
  • Vách ngăn lệch: làm cho một vùng của mũi bị khô, thường xuyên kích thích bởi luồng không khí chênh lệch, bên nhiều bên ít.
  • Nhiễm trùng mũi: cảm cúm, viêm xoang.
  • Bướu trong mũi: có thể là bướu lành hay ung thư.
  • Chấn thương, gãy xương mũi.
  • Thủng vách ngăn, do chấn thương, giải phẫu, dùng Cocaine hít vào mũi, những bệnh như giang mai, phong cùi.

Chảy máu cam phát sinh từ ngoài mũi:

  • Hoại huyết
  • Một số bệnh bẩm sinh làm yếu mạch máu: Weber Osler Rendu hay hemorhagic telengiectasia.
  • Uống thuốc loãng máu hay thuốc giảm đau quá nhiều gây ra loãng máu.
  • Bệnh của máu làm thiếu tiểu huyết cầu, thí dụ như ung thư máu.

Điều trị chảy máu cam

Điều trị chảy máu cam cấp cứu:

  • Cho bệnh nhân ngồi thẳng để áp suất máu trong mũi giảm bớt, lấy mấy ngón tay bóp mũi để máu đừng chảy ra phía trước, ngồi nghiêng về phía trước, đừng ngửa cổ lên như nhiều người lầm tưởng. Ngước về phía trước để nếu máu có chảy xuống miệng thì nhổ ra. Giữ lượng máu chảy ra trong một chén hay thau để có thể định lượng khi gặp bác sĩ.
  • Giữ tay trên mũi cho đến khi ngưng chảy máu, nếu thả tay ra mà chảy lại thì giữ tay thêm 5-10 phút nữa. Nếu sau 20 phút vẫn còn chảy thì nên đi bác sĩ hay phòng cấp cứu.

Chữa trị chảy máu cam tại bệnh viện:

  • Ðây là những trường hợp nặng, người ta thường phải nhét bông, sợi vải, bong bóng cao su để ép chặt mạch máu. Nếu thấy cao áp huyết thì cho uống thuốc hạ áp huyết.
  • Nếu thiếu máu thì truyền máu, nếu bị bệnh loãng máu thì trị thêm các bệnh này. Vì mũi bị nghẹt có thể dẫn đến nhiễm trùng xoang nên luôn luôn cho bệnh nhân dùng thêm kháng sinh trong lúc mũi bị nhét bông. Thuốc chống đau cũng rất cần thiết để giúp bệnh nhân nghỉ ngơi và giữ cho huyết áp đừng lên cao.

Chữa trị chảy máu cam tận gốc:

  • Sau khi máu ngừng chảy và mọi việc tương đối yên ổn, bệnh nhân nên đi khám về tai mũi họng do một bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ tìm nguồn gốc bệnh để điều trị dứt điểm cũng như bảo vệ mũi tốt hơn. Bác sĩ có thể tìm những mạch máu để đốt, có thể giải phẫu để sửa vách ngăn bị lệch…

Phòng ngừa chảy máu cam

  • Lý do thông thường nhất của bệnh chảy máu cam là khô mũi, do đó nên để ý đến thời tiết để giữ mũi đừng khô. Những lúc trời lạnh, khô, gió mùa Đông Bắc thổi làm không khí hanh khô và bụi bay đầy thì nên giữ cho mũi ẩm bằng cách bôi vaseline hay ointment vào trong mũi, chỉ bôi vào bên trong cánh mũi rồi bóp lại, không nên bôi sâu, làm cho đau.
  • Một biện pháp nữa rất tốt là xông mũi bằng hơi nước, có thể là cốc nước trà nóng, bát cơm hay canh nóng bốc hơi, máy xông cũng rất tốt nhưng tốn tiền và cần chỗ cắm điện. Xông mũi khoảng 15 phút mỗi lần, một ngày 3 lần trở lên để giữ cho mũi ẩm và sạch. Hơi nước trong phòng tắm hay phòng tắm hơi cũng rất tốt trong việc giữ vệ sinh cho mũi.

Kết luận

  • Chảy máu cam là điều thông thường, các biện pháp cấp cứu nói trên sẽ giúp trong đa số các trường hợp. Nếu mũi chảy máu lại sau một thời gian ngắn thì nên khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để tìm bệnh và điều trị dứt bệnh.
  • Đối với trẻ sơ sinh, nên khám sớm vì chảy máu mũi có thể do những bệnh của cơ thể.
  • Đối với trẻ ở tuổi biết đi, rất dễ chảy máu, nếu tái phát, nên khám bác sĩ
  • Đối với những người ở tuổi trung niên thường do chấn thương hay vách ngăn, nên khám một lần để biết nguyên do.
  • Đối với những người ở tuổi già, nên khám sớm về các bệnh liên quan, máu khó đông và thường thì có huyết áp cao cần chữa trị.